Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Tìm hiểu một số từ ngữ và khái niệm trong Luật Di sản văn hoá

Di sản văn hoá (quy định tại Luật Di sản văn hoá) bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm di tích lịch sử-văn hoá, danh lam-thắng cảnh và di vật.

Di tích lịch sử-văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm, có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

Di vật là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học có từ một trăm năm tuổi trở lên.

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất lượng, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.

Sưu tập là một tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc di sản văn hoá phi vật thể được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội.

Thăm dò, khai quật khảo cổ là hoạt động khoa học nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu di vật và địa điểm khảo cổ. Bảo quản di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tu bổ di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh. Phục hồi di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh đã bị huỷ hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh đó. Khái niệm "bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá". Khái niệm "bảo vệ" được sử dụng nhằm mục đích đề cao tính pháp lý của hoạt động tổ chức quản lý, giữ gìn, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và kiểm tra việc thực hiện các văn bản có tính pháp quy để xác định đối tượng và khu vực bảo vệ của các di sản. Mặt khác, khái niệm này cũng bao hàm các hoạt động khác như tu sửa, tôn tạo, bảo quản, gia cố ... nhằm duy trì tính nguyên gốc và sự toàn vẹn của các di sản văn hoá. "Phát huy" trước hết là sử dụng giá trị tinh thần của di sản văn hoá trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng tình cảm ; đồng thời, khái niệm "phát huy" cũng đã bao hàm cả các hoạt động khai thác, tuy nhiên, nếu sử dụng từ "khai thác" thay cho "phát huy" di sản văn hoá thì sẽ bị hiểu là quá thiên về tính hiệu quả kinh tế trong sử dụng. Nhà truyền thống là cách gọi tắt của "nhà trưng bày về truyền thống" của các đơn vị, địa phương, cơ quan, nhà máy ... để triển lãm, trưng bầy các tài liệu, hình ảnh, hiện vật có tính chất lịch sử, truyền thống của mình. Hoạt động của các nhà truyền thống được coi là một hình thức giáo dục truyền thống, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng của cơ sở, địa phương đó. Hoạt động của nhà truyền thống không phải là hoạt động bảo tàng ; cũng không phải là một thiết chế văn hoá theo tinh thần NQTW 5 đã nêu. Nhà lưu niệm là công trình lưu giữ những nội dung lưu niệm về sự kiện lịch sử hoặc danh nhân tiêu biểu. Xét dưới góc độ di sản văn hoá vật thể, đây là một bộ phận của di tích lịch sử-văn hoá.

(Theo tài liệu của Ban soạn thảo Luật Di sản văn hóa)

0 nhận xét:

Người theo dõi

Datos personales